Do vậy, việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt nhằm bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và môi trường mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững là hướng đi tất yếu.
Hiện nay, chế phẩm sinh học sử dụng trong trồng trọt gồm 3 nhóm chính:
Thứ nhất là, nhóm vi sinh vật cải tạo, bồi dưỡng đất với hình thức là các dạng phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh. Nhóm vi sinh vật này gồm các loại nấm, vi khuẩn có lợi giúp cây trồng quang hợp mạnh, cải thiện sức sống, tăng cường tính chống chịu của cây trồng. Một số vi sinh vật giúp phân giải lân, đạm trong đất giúp cây trồng hấp thu tốt, hạn chế sử dụng phân hóa học.
Thứ hai là, nhóm vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ có trong đất hoặc các chất hữu cơ khác như phân chuồng, trấu, thân thực vật,… Cụ thể, nhóm vi sinh vật sử dụng phổ biến hiện nay là nấm Tricoderma dùng để ủ phân hữu cơ hoặc vi khuẩn Bacillus dùng ức chế mùi hôi phân gia súc, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thứ ba là, nhóm chế phẩm sinh học ứng dụng trong việc phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Gồm những chất được chế xuất từ thực vật hoặc từ các loại emzim và nhóm chế phẩm có nguồn gốc từ các vi sinh vật sống như nấm xanh – nấm trắng dùng để phòng trừ rầy nâu, sâu cuốn lá lúa.
Để sử dụng chế phẩm sinh học mang lại hiệu quả tốt nhất, bà con cần lưu ý những vấn đề sau:
– Không trộn lẫn những chế phẩm sinh học với các loại thuốc hóa học phòng trừ nấm bệnh và thuốc có tính diệt khuẩn vì khi phối trộn như vậy sẽ làm giảm tác dụng của các chế phẩm.
– Đối với các sản phẩm sử dụng bằng phương pháp phun thì nên pha thêm chất bám dính vào để tăng khả năng bám dính để giúp gia tăng hiệu quả của sản phẩm.
– Đối với các chế phẩm sinh học được phun qua lá trong vòng 24 giờ nếu gặp trời mưa thì cần phải phun lại.
– Cần cách ly với thuốc hóa học ít nhất 3 ngày trước hoặc sau khi phun chế phẩm sinh học.
– Cần bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp và sử dụng các sản phẩm sinh học còn thời hạn.